Viên chức chủ tọa Chủ_tịch_Hạ_viện_Hoa_Kỳ

Chủ tịch hạ viện giữ nhiều quyền lực khác nhau trong vai trò của viên chức chủ tọa tại hạ viện nhưng thường khi giao trách nhiệm làm chủ tọa cho thành viên khác thuộc đảng đa số. Chủ tịch có thể phân công bất cứ thành viên nào của hạ viện đóng vai trò như "chủ tịch hạ viện tạm thời" và người này sẽ làm chủ tọa hạ viện. Trong những cuộc thảo luận quan trọng, "chủ tịch hạ viện tạm thời" thường được giao cho một thành viên cao cấp của đảng đa số. Những dịp thông thường khác thì các thành viên cấp thấp hơn có thể được giao nhiệm vụ làm chủ tọa để giúp họ có thêm kinh nghiệm về luật cũng như những cách thức làm việc của hạ viện. Chủ tịch cũng có thể bố trí một chủ tịch hạ viện tạm thời cho những mục đích đặc biệt; Ví dụ, trong lúc Quốc hội đang ngừng họp dài hạn, một dân biểu đại diện cho một khu quốc hội gần thủ đô Washington, D.C. có thể được phân công làm chủ tịch hạ viện tạm thời đặc trách việc ký các đạo luật đã được thông qua.

Tại phòng họp hạ viện, viên chức chủ tọa luôn luôn được gọi là "Mister Speaker" hay "Madam Speaker" (mặc dù ông hay bà Chủ tịch Hạ viện không phải chính là người đang làm chủ tọa). Khi Hạ viện tự mình nhóm lại thành một ủy ban hạ viện thống nhất (Committee of the Whole) thì chủ tịch hạ viện sẽ phân công một thành viên làm chủ tọa cho ủy ban hạ viên thống nhất này trong vai trò chủ tịch ủy ban hạ viện thống nhất và người này sẽ được gọi là "Mister Chairman" hay "Madam Chairwoman". Để phát biểu, các thành viên phải gây chú ý cho viên chức chủ tọa. Viên chức chủ tọa có thể gọi các thành viên phát biểu nhưng với điều kiện là họ phải vui lòng phát biểu và vì thế có thể kiểm soát được nhịp độ của buổi tranh luận. Viên chức chủ tọa cũng có quyền quyết định tất cả các điểm về quy định của phòng họp. Ví dụ, viên chức chủ tọa có quyền chấm dứt lời phát biểu của một thành viên nào đó nếu xét thấy thành viên đó phạm qui. Chủ tọa có trách nhiệm duy trì sự lịch thiệp trang nhã trong phòng họp hạ viện và có thể ra lệnh cho viên chức đặc trách duy trì trật tự (tiếng Anh gọi là Sergeant-at-Arms) thi hành luật lệ chống những thành viên phạm qui.

Quyền lực và trách nhiệm của chủ tịch hạ viện mở rộng ngoài việc làm chủ tọa phòng họp hạ viện. Đặc biệt, chủ tịch hạ viện có sức ảnh hướng to lớn đối với tiến trình chọn người cho các ủy ban hạ viện. Chủ tịch hạ viện là người có thể chọn ra 9 trong số 13 thành viên cho Ủy ban Luật pháp Hạ viện Hoa Kỳ đầy quyền lực mặc dù phải có sự chấp thuận của đảng đa số (ban lãnh đạo của đảng thiểu số chọn 4 thành viên còn lại). Hơn nữa, chủ tịch hạ viện còn bổ nhiệm tất các thành viên của các ủy ban hội thảo và các ủy ban đặc trách. Khi một đạo luật được đưa ra thì chủ tịch hạ viện sẽ quyết định ủy ban nào sẽ xem xét nó. Trong vai trò của một thành viên hạ viện, chủ tịch hạ viện có quyền tham gia tranh luận và biểu quyết nhưng theo thói quen chủ tịch chỉ làm vậy trong những tình huống đặc biệt. Thông thường chủ tịch hạ viện chỉ biểu quyết khi nào mà lá phiếu của chủ tịch mang tính quyết định hay trên các vấn đề rất quan trọng (Ví dụ như các tu chính án hiến pháp).

Liên quan

Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Chủ thể liên bang của Nga Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh Việt Nam Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Chủ tịch Thượng viện tạm quyền Hoa Kỳ Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam